Bắt đầu từ đâu khi muốn học UX/UI?
Làm quen với thế giới UX/UI và những bước đầu của hành trình trở thành nhà thiết kế UX/UI.
Khi được đặt câu hỏi bắt đầu từ đâu, có lẽ đa phần mọi người thường nghĩ đắn đo giữa việc học thiết kế đồ họa hoặc lập trình trước sẽ tốt hơn. Xét về lợi ích trực tiếp thì đây là hướng tiếp cận tương đối an toàn, ít áp lực trong việc theo đuổi quá trình học cũng như tìm kiếm việc làm.
Nhưng mình muốn làm rõ thêm…
Thứ nhất,
điều đó phụ thuộc vào lựa chọn hình tượng của bạn trong tương lai, trở thành một Specialist (chuyên gia một lĩnh vực) hay Generalist (chuyên gia đa nhiệm).
Tham khảo mô hình Chữ T dưới đây để biết một bộ 5 kỹ năng điển hình của một nhà thiết kế UX/UI.
Nếu bạn yêu thích công việc đồ họa, hoặc lập trình front-end, và muốn trang bị kiến thức về UX sau theo thời gian. Đây là hướng đi tương đối dễ chịu.
Sự đánh đổi là chi phí thời gian và công sức của bạn, chưa tính đến việc bạn có khả năng bị tư duy lối mòn bởi kiến thức khuôn khổ và sức sáng tạo giảm dần. Nhưng nhìn chung, thị trường khá đa dạng, vẫn có nhiều vị trí đòi hỏi kỹ năng thiên về kỹ thuật hoặc ít yêu cầu về chất lượng trải nghiệm.
Thứ hai,
câu chuyện về nhà thiết kế UX/UI thực thụ, chuyên môn “ăn khách” của họ là xây dựng trải nghiệm người dùng. Chỉ có am hiểu sâu về nó mới có thể đưa sự nghiệp tiến xa bền vững.
UX gắn liền với yếu tố con người và UX phải là đối tượng mục tiêu chính yếu trong mọi nhiệm vụ.
Thiếu nghiên cứu UX, bạn không thể đáp ứng tiêu chuẩn công việc dù thành thạo bao nhiêu kỹ năng khác. Đến cuối cùng, ứng dụng dù đẹp mắt, vận hành ổn định, mà không được hưởng ứng bởi người dùng thì cũng sẽ sớm vô ích.
Năng khiếu hội họa, gu thẩm mỹ cao, thành thạo nhiều phần mềm, thiết kế đồ họa hay lập trình là những yếu tố đóng góp vào năng suất làm việc. Những kỹ năng đó không mang tính quyết định để tạo ra thành quả giá trị cao, hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh của một nhà thiết kế UX/UI.
Lúc này, bạn là Newbie, đang chập chững và mong muốn nhanh chóng có được nền tảng kiến thức và công việc ý nghĩa trong lĩnh vực UX và UI, điều bạn cần là một công thức đúng đắn, những nguyên liệu chính để nấu ra món ăn đầy đủ hương vị, chứ không chỉ trông đẹp mắt hay có vẻ hoạt động được.
Bàn về bản chất của UX và UI,…
hai lĩnh vực có cội nguồn khác biệt, có sự giao thoa về khái niệm và những yếu tố tương hỗ lẫn nhau.
Ý nghĩa của UI khi đứng một mình không thực sự mang lại giá trị công năng nào ngoài đề cao đặc tính thị giác như cách mà nó thể hiện, chỉ có thể gây chú ý với người xem. Đối với việc thu hút người dùng, chuyển đổi hành động, tác động hành vi, suy nghĩ,… là những vấn đề khác mà UI không thể cam kết.
Và khi, thiết kế UI mà được đặt trên nền tảng UX, đó là nghệ thuật biến sự thấu cảm người dùng thành trạng thái thật trong trải nghiệm sử dụng, cân bằng hài hòa mục tiêu của người dùng với mục tiêu của doanh nghiệp trong mọi giới hạn về nguồn lực.
Vậy, bắt đầu từ đâu khi muốn học UX/UI?
Câu trả lời cho bạn: Tâm lý học và cách ứng dụng
Hiểu biết về tâm lý của người dùng, càng sớm, bạn càng ra quyết định đúng, thực hành có chủ đích. Bạn sẽ hiểu mình cần làm gì tiếp theo, chuẩn bị công cụ gì để đề xuất ý tưởng khả thi, ưu tiên nào khiến giá trị lao động của bản thân trở nên thiết thực. Hơn thế nữa, ở phương diện học tập, bạn có thể tránh lan man trong biển kiến thức đã và sẽ tiếp thu, và đào sâu vào “hạt nhân” của ngành công nghiệp sáng tạo này.
Tâm lý học có vai trò gì trong quá trình tư duy và thiết kế UX?
Hiểu con người - Tâm lý học giúp tiếp cận công việc từ “bên trong”, từ trong ra ngoài, đi sâu từ cốt lõi nhận thức và đạt được sự hiểu biết từ góc nhìn của đối tượng mục tiêu - là con người sinh hoạt trong đời sống xã hội. Từ đó, người thiết kế có đủ cơ sở để đồng cảm, hiểu sâu về nhu cầu người dùng, hành vi, nguyện vọng và động lực tiềm ẩn trong suy nghĩ của họ.
Củng cố nghiên cứu - Ở các giai đoạn nghiên cứu và phân tích dữ liệu nghiên cứu, không có tâm lý học đặt nền tảng lý lẽ thì việc giải quyết các vấn đề cần bàn luận sẽ vô cùng bế tắc, thiếu tính thuyết phục, khó xác định phương hướng hợp lý. Tâm lý học giúp designer mở rộng góc nhìn khám phá, đa dạng phương án cải tiến và nhanh chóng tìm ra và loại bỏ pain point.
Cơ sở ra quyết định - Giải pháp dù sáng tạo, hữu ích đến đâu nhưng cũng có thể đánh mất khách hàng nếu thiếu yếu tố gắn kết, nhiều pain point trong tương tác giữa người dùng với hệ thống. Lường trước được những vấn đề trải nghiệm trong quá trình xử lý thông tin của người dùng, designer có thể điều chỉnh dựa theo đó để đề xuất thiết kế tối ưu, user-centered.
Giao tiếp hiệu quả - Designer dành phần lớn thời gian để trao đổi với client/stakeholder trong các buổi họp và người dùng thông qua nội dung truyền tải trong thiết kế. Với trang bị về kiến thức tâm lý học, chúng ta có thể kiểm soát tốt không khí trò chuyện, khích lệ chia sẻ thông tin input cho nhiệm vụ công việc. Cũng như với thiết kế, người dùng cần cảm thấy tin tưởng và tự nhiên khi trải nghiệm sản phẩm, cảm thấy tích cực xuyên suốt quá trình sử dụng.
Trước khi bắt tay vào xây dựng bất kỳ sản phẩm phần mềm ứng dụng nào, hãy trang bị những khái niệm khái quát, hình dung về những ý nghĩa đằng sau mỗi đường nét, hình khối, font, màu sắc, tỷ lệ, khoảng cách,… bất cứ thứ gì hiển thị trên màn hình. Chúng đảm nhận tác động đến từng khía cạnh trong tâm trí của người dùng.
Tuy vậy, bạn cũng không thể chỉ “học chay”…
với những thông tin lý thuyết như thế được. Cứ sau một quãng thời gian ngắn, bạn nên đan xen nghiên cứu tài liệu tâm lý học với các kỹ thuật thiết kế UX như tạo user-flow, user persona, dựng user story, sitemap, empathy map, user-centered design canvas,…
Thực hành song song sẽ cho bạn cái nhìn tổng thể về cách thức triển khai thực tế và làm quen tư duy UX.
Sau khi nắm được các khái niệm cơ sở, nếu chưa biết cách sử dụng phần mềm vẽ nào thì mình gợi ý bạn nên vọc trước với Figma thay vì dùng bút giấy.
Không dễ gì để vận dụng tâm lý học ngay vào quá trình thiết kế ở những giai đoạn đầu một cách trọn vẹn. Khó khăn hơn khi không được cung cấp thông tin về bối cảnh dự án. Trường hợp như vậy, bạn có thể chọn một chức năng của một ứng dụng để nghiên cứu - phân tích và tái dựng lại theo ý tưởng của mình với những công cụ UX đã tìm hiểu.
Điều quan trọng nhất là mỗi nét bạn vẽ, mỗi cách sắp xếp trình bày, đều có ý đồ dựa trên một cơ sở khoa học nào đó và mang lại giá trị trải nghiệm sử dụng.
Sự tập luyện liên tục sẽ giúp bạn hình thành khả năng phản xạ ngày càng nhạy bén, phản biện bảo vệ quan điểm mạch lạc hơn.
Cộng đồng tự học UX: facebook.com/learn.ux
#TuiLaNewbie
Bài viết liên quan: